Nám da là một dạng rối loạn sắc tố lành tính, thường gặp ở nữ giới trên 30 tuổi – đặc biệt là phụ nữ mang thai, sau khi sinh và tiền mãn kinh. Tình trạng này có thể xảy ra do rối loạn nội tiết tố, căng thẳng thần kinh kéo dài, lạm dụng mỹ phẩm chứa thành phần lột tẩy hoặc do tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng.

Nám da

Nám da là gì?

Nám da (Melasma hoặc Chloasma) là một dạng rối loạn sắc tố da thường gặp, xảy ra khi tế bào melanin tăng sinh quá mức dẫn đến sự hình thành các mảng, đốm có màu nâu nhạt hoặc nâu đậm. Nám thường xuất hiện ở da mặt và tập trung nhiều ở các vị trí như môi trên, cằm, trán, sống mũi và má. Ở một số ít trường hợp, tình trạng này cũng có thể xảy ra ở những vùng da trên cơ thể như cổ, cánh tay và mu bàn tay.

Thống kê cho thấy, nám da thường gặp ở phụ nữ từ 25 – 50 tuổi (trong độ tuổi sinh sản). Trong đó, thời điểm nám bùng phát mạnh nhất là khi mang thai, sau khi sinh và giai đoạn tiền mãn kinh. Thực tế, nam giới cũng có thể bị nám nhưng tỷ lệ rất thấp.

Nám da là một dạng tăng sinh sắc tố lành tính tương tự tàn nhang. Tình trạng này không gây đau, ngứa ngáy, viêm đỏ hay khó chịu. Tuy nhiên, các đốm nâu do nám có thể ảnh hưởng đến ngoại hình và làm giảm chất lượng cuộc sống.

Tại sao nám da thường xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn đàn ông?

  • Do nội tiết tố khác nhau

Phụ nữ thường xảy ra tình trạng rối loạn nội tiết tố nhiều hơn đàn ông, đặc biệt là phụ nữ thời tiền mãn kinh hay mãn kinh. Đây là một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng nám da. Chính bởi vậy mà nám da thường xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn đàn ông.

  • Do độ dày của da

Một nghiên cứu cho thấy da của đàn ông dày gấp 7 lần phụ nữ. Chính bởi vậy, những tác động như ánh nắng mặt trời, khói bụi, hay ánh sáng xanh đều ảnh hưởng tới da mặt của phụ nữ nhiều hơn đàn ông. Hơn nữa, theo thời gian làn da có xu hướng bị bào mòn. Bởi vậy mà thực tế làn da của phù nữ nhanh lão hóa hơn đàn ông. Đây cũng là 1 lí do lí giải tạo sao phụ nữ dễ bị nám hơn đàn ông.

  • Do sử dụng mỹ phẩm

Nữ giới có xu hướng sử dụng mỹ phẩm nhiều hơn nam giới. Chúng ta thường bắt gặp nữ giới với khuôn mặt được makeup tỉ mỉ từ sáng đến tối. Chính bởi vậy, khi làn da bị bít tắc và ảnh hưởng bởi các thành phần hóa học có từ mỹ phẩm khiến da có nguy cơ bị nám.

Các nguyên nhân gây nám da thường gặp

Cơ chế trực tiếp gây ra nám da là do sắc tố melanin tăng sinh quá mức. Melanin được sản xuất từ tế bào melanocytes và có chức năng quy định màu da. Thực tế, quá trình sản sinh sắc tố phải có sự tác động giữa enzyme tyrosinase và tia UVB từ ánh nắng mặt trời. Điều này lý giải vì sao da thường bị đen và ngăm hơn khi tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian dài.

Tuy nhiên ở người bị nám da, lượng melanin thường tập trung ở một số vị trí nhất định gây ra các đốm và mảng nâu nhạt, nâu đậm có ranh giới rõ ràng so với những vùng da xung quanh. Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây nám da vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên theo các chuyên gia Da liễu, nguy cơ bị nám có thể tăng lên khi có những yếu tố thuận lợi sau:

1. Nguyên nhân nội sinh

Nám da thường xuất hiện và phát triển mạnh ở phụ nữ từ 30 tuổi trở lên, trong giai đoạn mang thai và sau khi sinh do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nám da là gì
Căng thẳng thần kinh là một trong những yếu tố nội sinh có thể gây nám da

Các yếu tố nội sinh có thể gây nám da, bao gồm:

  • Rối loạn nội tiết tố: Rối loạn nội tiết tố là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nám da. Các chuyên gia nhận thấy, nồng độ estrogen suy giảm có thể khiến hormone MSH (melanocyte stimulating hormone) bị mất kiểm soát. Tình trạng này có khả năng kích thích melanin sản sinh quá mức và gây ra các mảng, đốm nám trên bề mặt da. Chính vì vậy, nám da thường xuất hiện ở phụ nữ mang thai, sau khi sinh và phụ nữ tiền mãn kinh.
  • Ảnh hưởng của quá trình lão hóa: Thực tế, nám da chỉ xuất hiện ở phụ nữ từ 30 tuổi trở lên và hiếm khi gặp ở nữ giới trẻ tuổi. Theo lý giải từ các chuyên gia, da mặt bị lão hóa có thể khiến quá trình sản sinh melanin bị mất kiểm soát và rối loạn dẫn đến sự xuất hiện của các mảng và đốm nâu ở má, cằm và mũi.
  • Stress, căng thẳng kéo dài: Stress kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ mà còn là nguyên nhân gián tiếp gây nám da. Khi bị căng thẳng, tuyến thượng thận có xu hướng sản sinh nhiều hormone cortisone. Khi hormone này tăng cao, pregnenolone chỉ có thể kiểm soát cortisol và mất đi chức năng cân bằng nội tiết tố. Điều này dẫn đến tình trạng giảm/ tăng estrogen quá mức và hình thành nám.

Ngoài ra, nám da còn có thể xảy ra do một số nguyên nhân nội sinh như cơ địa, ảnh hưởng của các bệnh lý buồng trứng và tuyến giáp hoặc cũng có thể là tác dụng phụ do sử dụng thuốc điều trị kéo dài.

2. Nguyên nhân ngoại sinh

Bên cạnh các nguyên nhân nội sinh, nám da cũng có thể khởi phát do những nguyên nhân ngoại sinh như:

Nguyên nhân gây nám da
Lạm dụng các loại mỹ phẩm chứa chất lột tẩy có thể gây mỏng da, tăng nguy cơ hình thành sạm nám
  • Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Tia UVB trong ánh nắng có thể kích thích tế bào melanocytes tăng sản sinh melanin và gây ra tình trạng da đen sạm, nám và tàn nhang.
  • Lạm dụng mỹ phẩm chứa chất lột tẩy: Sử dụng mỹ phẩm chứa chất lột tẩy trong thời gian dài có thể khiến da mỏng và nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Hơn nữa, các sản phẩm này còn khiến màng lipid bị phá vỡ và khiến da mất chức năng đề kháng. Những yếu tố này tạo điều kiện thuận lợi để tia UVB kích thích quá trình sản sinh melanin và gây sạm nám da.

Ngoài những nguyên nhân trên, nguy cơ bị nám da cũng có thể tăng lên nếu có các yếu tố rủi ro như làn da trắng, mỏng, sinh sống trong môi trường ô nhiễm, tính chất công việc phải tiếp xúc nhiều với hóa chất, khói bụi,…

Nhận biết nám da – Phân loại

Không giống với tàn nhang, nám da có biểu hiện khá đa dạng và không đồng nhất. Dựa vào biểu hiện lâm sàng, nám da được chia thành 3 loại sau:

1. Nám mảng

Nám mảng thường xuất hiện ở vùng gò má, đặc trưng bởi các mảng lớn, nhỏ có màu nâu nhạt đến nâu đậm với kích thước và hình dạng không đồng nhất. Mặc dù có phạm vi ảnh hưởng rộng nhưng loại nám này có chân không sâu nên thường dễ điều trị hơn so với nám hạ bì và nám hỗn hợp.

hình ảnh nám mảng
Hình ảnh nám mảng

Nám mảng thường xảy ra do tác hại của ô nhiễm môi trường, tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng, tác dụng phụ của thuốc và hệ quả do lạm dụng mỹ phẩm chứa chất lột tẩy da.

2. Nám chân sâu

Nám chân sâu (nám hạ bì/ nám đốm) là loại nám có chân nằm ở lớp hạ bì (lớp cuối cùng của da). Loại nám này đặc trưng bởi các đốm tròn có kích thước đa dạng, màu sắc từ nâu đến nâu đậm, đen, xanh hoặc xanh xám. Nám chân sâu thường mọc ở cằm, trán và 2 bên gò má.

hình ảnh nám chân sâu
Hình ảnh nám chân sâu hay còn gọi là nám đốm, nám hạ bì

Nám hạ bì thường là hệ quả do rối loạn nội tiết tố và căng thẳng kéo dài. Chân nám nằm sâu bên trong cấu trúc da nên rất khó điều trị dứt điểm. Hơn nữa nếu không tiến hành chăm sóc và điều trị sớm, nám có thể đậm màu dần theo thời gian và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến yếu tố tâm lý, thẩm mỹ.

3. Nám hỗn hợp

Nám hỗn hợp là sự kết hợp của nám mảng và nám chân sâu. Vì vậy chân nám có thể xuất hiện ở cả hạ bì lẫn thượng bì. Để điều trị loại nám này, cần kết hợp nhiều phương pháp và đòi hỏi phải kiên trì, tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ.

hình ảnh nám hỗn hợp
Hình ảnh nám hỗn hợp

Ảnh hưởng của nám da

Nám da là một dạng gia tăng sắc tố lành tính xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tương tự như tàn nhang, nám da không ảnh hưởng đến sức khỏe và không có khả năng tiến triển thành ung thư.

Tuy nhiên các đốm, mảng nám trên bề mặt da có xu hướng đậm màu và lan rộng hơn theo thời gian. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ khiến nữ giới trở nên kém tự tin và e ngại trong các cuộc gặp gỡ.

Các biện pháp xử lý nám da hiệu quả

Nám là hệ quả do sắc tố melanin được sản sinh quá mức. Tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nên quá trình xác định căn nguyên và điều trị thường gặp nhiều bất lợi.

Điều trị nám thường kéo dài từ vài tháng đến vài năm tùy vào chế độ chăm sóc, phương pháp áp dụng và mức độ nám ở từng trường hợp. Mặc dù hiện nay có khá nhiều phương pháp điều trị nhưng trên thực tế, không có phương pháp tối ưu và đặc hiệu đối với tình trạng da liễu này.

1. Sử dụng thuốc bôi trị nám

Dùng thuốc bôi là phương pháp trị nám phổ biến nhất. Phương pháp này có thể làm mờ các đốm, mảng đậm màu, làm mềm da, hỗ trợ dưỡng ẩm và ngăn ngừa lão hóa. Tuy nhiên, sử dụng thuốc và kem bôi thường có tác dụng chậm nên cần phải kiên trì áp dụng trong thời gian dài.

hình ảnh nám hỗn hợp
Sử dụng thuốc bôi chứa Hydroquinone, Vitamin C,… có thể làm sáng da và mờ vết nám

Các loại thuốc bôi thường được sử dụng trong điều trị nám da:

  • Thuốc bôi chứa hydroquinone: Hydroquinone là hoạt chất có tác dụng điều trị các vấn đề do tăng sắc tố như sẹo thâm, tàn nhang và nám da. Hoạt chất này có tác dụng ức chế ezyme tyrosinase nhằm làm giảm quá trình sản xuất melanin. Hiện nay, Hydroquinone thường được bổ sung vào các chế phẩm dạng serum hoặc kem dưỡng với nồng độ dưới 2%.
  • Thuốc bôi Tretinoid: Tretinoid là dẫn xuất của vitamin A được sử dụng để chăm sóc da mặt và điều trị các vấn đề da liễu thường gặp. Thành phần này đem lại nhiều công dụng đối với làn da như tẩy tế bào chết, biệt hóa tế bào, ngăn ngừa bít tắc lỗ chân lông và thúc đẩy tốc độ làm lành vết thương. Với cơ chế này, Tretinoid có khả năng trị mụn trứng cá, chống lão hóa, làm mờ đốm tàn nhang và nám da.
  • Kem bôi chứa Acid azelaic: Acid azelaic là thành phần được chiết xuất từ một số loại ngũ cốc (lúa mì, lúa mạch). Thành phần này có tác dụng làm sáng da, cải thiện đốm tàn nhang và nám da. Bên cạnh đó, Acid azelaic còn giúp làm giảm số lượng vi khuẩn kỵ khí, tẩy tế bào chết và trị mụn bọc. Các chế phẩm dạng bôi Acid azelaic có độ an toàn cao và có thể dùng cho cả phụ nữ mang thai, sau khi sinh.
  • Kem bôi, serum chứa vitamin C: Vitamin C (Ascorbic acid) có khả năng ức chế enzyme tyrosine (enzyme có chức năng kích thích sản sinh melonocytes – cơ quan sản xuất melanin). Vì vậy, các chế phẩm dạng bôi ngoài chứa thành phần này thường được sử dụng để trị nám da, tàn nhang và sẹo thâm do mụn. Bên cạnh đó, vitamin C còn có tác dụng chống oxy hóa, giúp da căng bóng, mềm mịn và làm chậm quá trình lão hóa.
  • Một số loại thuốc khác: Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại bôi chứa Lactic acid, Glycolic acid, Mandelic acid, Niacinamide, Aburtin và corticoisteroid để cải thiện đốm và mảng nám sạm trên da mặt.

Đối với nữ giới bị nám da do nội tiết tố, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc điều hòa hormone như thuốc ngừa thai. Các loại thuốc này có thể cân bằng hormone estrogen, progesterone, androgen và testosterone. Khi các hormone này ở mức cân bằng, quá trình sản xuất melanin có xu hướng bình thường hóa và giảm dần các đốm, mảng nám theo thời gian.

Các loại thuốc bôi trị nám đều có thể khiến da trở nên mỏng và nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Vì vậy trong thời gian điều trị, nên dùng kem chống nắng, đeo khẩu trang khi ra ngoài và tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong khung giờ từ 10:00 – 16:00 hằng ngày.

2. Các phương pháp khác

Thực tế, sử dụng thuốc bôi chỉ đem lại hiệu quả đối với các trường hợp nám mảng, chân nám chưa ăn sâu vào trung bì và hạ bì da. Đối với nám chân sâu, các loại thuốc bôi chỉ giúp làm sáng da, giảm nhăn và cải thiện độ đàn hồi.

nám da
Điều trị nám da bằng laser có thể đem lại hiệu quả sau 10 – 20 tuần

Vì vậy trong trường hợp cần thiết, bạn có thể điều trị nám với một số phương pháp khác như:

  • Chemical peeling: Chemical peeling (lột da hóa chất) thích hợp với trường hợp nám mảng và nám hỗn hợp. Phương pháp này sử dụng các loại axit có nồng độ cao (Glycolic acid, Salicylic acid, Lactic acid,…) nhằm tẩy tế bào sừng, kích thích da tái tạo, phục hồi và làm mờ các mảng, đốm nâu trên bề mặt da. Chemical peeling có thể cải thiện sắc tố da rõ rệt, hỗ trợ giảm mụn và kiểm soát dầu thừa. Tuy nhiên, axit nồng độ cao có thể gây khô và kích ứng đối với làn da nhạy cảm.
  • Laser trị nám: Phương pháp này sử dụng tia laser nhằm phá hủy các sắc tố melanin nằm ở lớp trung bì và hạ bì. Tùy thuộc vào tình trạng da, bác sĩ sẽ điều chỉnh tia laser có bước sóng phù hợp nhằm tác động trực tiếp đến chân nám. Hiện nay, điều trị nám bằng tia laser được đánh giá là phương pháp tối ưu và cho hiệu quả rõ rệt chỉ sau 10 – 20 tuần.
  • Đốt điện trị nám chân sâu: Các đốm nám có màu nâu đậm thường rất khó mờ khi áp dụng laser và Chemical peeling. Vì vậy, có không ít trường hợp quyết định điều trị nám chân sâu bằng phương pháp đốt điện. Phương pháp này sử dụng tia điện phá hủy cấu trúc vùng da bị nám nhằm gây tổn thương giả, đồng thời kích thích tế bào tái tạo và phục hồi. Tuy nhiên, đốt điện trị nám có thể gây ra sẹo lõm, sẹo lồi nếu chăm sóc không đúng cách.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *